Mỗi lần thăm nghĩa trang

Mỗi lần thăm nghĩa trang

Diệp Minh tuyền

Mỗi lần thăm nghĩa trang

Tim chợt buồn man mác

Thắp cho bạn nén nhang

Chạnh lòng nghe thông hát

Đường đời như khúc nhạc

Nghĩa trang - nốt cuối cùng

Đời người khi thôi hát

Về nằm dưới gốc thông.

Vũ trụ thì mênh mông

Tiếc đời người hữu hạn

Mới “có” rồi bỗng “không”

Một đời sao quá ngắn

Sống, nhà cao, cửa rộng

Chết, nằm trong đất cằn

Sống, kẻ khinh người trọng

Chết, đất hóa công bằng.

Thôi cần gì bon chen

Cốt sống sao lương thiện

Ở đời cần tình thương

Lợi danh là phù phiếm

Ra về lòng xao xuyến

Thương bạn nước mắt tràn

Thấy lòng thêm thánh thiện

Khi chân rời nghĩa trang.

Ở nghĩa trang Văn Điển

Ở nghĩa trang Văn Điển

Trần Đăng Khoa

(Nhớ Diệu Hương)

Người nổi tiếng và người không nổi tiếng
Đều gặp nhau trắng toát ở nơi này
Đều dài rộng như nhau vuông cỏ biếc
Đều ấm lạnh như nhau trong hơi gió heo may

Ôi thiên nhiên, cám ơn người nhân hậu
Những so le, người kéo lại cho bằng
Ít nhất cũng là khi nằm xuống
Trong mảnh gỗ rừng, dưới một vành trăng...

Những bia mộ thẳng hàng im lặng quá
Ai hay đâu mang hồn của bao người
Với bời bời nỗi niềm tâm sự
Đến bây giờ có lẽ cũng chưa nguôi...

Em bé nào đây vài tháng tuổi
Tưởng còn nghe tiếng em khóc oa oa
Một cái với tay giữa lưng chừng trời đất
Cõi đời này, thôi thế đã đi qua

Và em gái xinh tươi mười chín tuổi
Bao trái ngọt chín vì em, em có nhận được gì
Tấm áo hoa chờ em vào tiệc cưới
Có ai ngờ thành áo liệm lúc em đi...

Và cụ, và ông, và cô, và bác
Thương nỗi gian nan theo suốt một đời người
Nên bia mộ quanh năm vẫn ấm
Và mùa đông, ngọn cỏ vẫn lên tươi

Trời rộng vô cùng, đất cũng rộng vô cùng
Bởi khoảng trống mỗi con người bỏ lại
Cái khoảng trống nhỏ nhoi bằng chính vóc họ thôi
Mà cả dãy Hoàng Liên không sao che lấp...

Tôi đi giữa nổi chìm bao số phận
Lòng lắng nghe muôn tiếng nói xa gần
Tôi không tin con người là ảo ảnh
Và cuộc đời là một thoáng giữa sân ga

Nhưng khoảng sống mỗi người quả là có hạn
Cái trái chín rụng rồi, hạt không nảy mầm đâu
Hãy thương yêu nhau và sống cho có ích
Đấy là lời hàng mộ bia nói với vạn đời sau...


Hà Nội, 25-3-1984

Nguồn: Trần Đăng Khoa, Bên cửa sổ máy bay, Nxb Tác phẩm mới, 1985

Nhạc sầu

Nhạc sầu

Huy Cận

(Tặng Nguyễn Gia Trí )

Ai chết đó ? Nhạc buồn chi lắm thế!
Chiều mồ côi, đời rét mướt ngoài đường;
Phố đìu hiu màu đá cũ lên sương.
Sương hay chính bụi phai tàn lả tả ?

Từng tiếng lệ: ấy mộng sầu úa lá.
Chim vui đâu? Cây đã gẫy vài cành
Ôi chiều buồn! Sao nắng quá mong manh!
Môi tái nhạt nào cười mà héo vậy ?

Ai chết đó ? Trục xoay và bánh đẩy,
Xe tang đi về tận thế giới nào ?
Chiều đông tàn, lạnh xuống tự trời cao,
Không lửa ấm, chắc hồn buồn lắm đó.

Thê lương vậy mà ai đành lìa bỏ
Trần gian sao? Đây thành phố đang quen
Nhưng chốc rồi nẻo vắng đã xa miền
Đường sá lạ thôi lạnh lùng biết mấy!

Và ngựa ơi, đi nhịp đằm chớ nhảy
Kẻo thân đau, chưa quên nệm giường đời
Ai đi đưa, xin đưa đến tận nơi
Chớ quay lại nửa đường mà làm tủi

Người đã chết - Một vài ba đầu cúi
Dăm bảy lòng thương xót đến bên mồ
Để cho hồn khi sắp xuống hư vô
Còn được thấy trên mặt người ấm áp
Hình dáng cuộc đời từ đây xa tắp.

Xe tang đi, xin đường chớ gập ghềnh!
Không gian ôi, xin hẹp bớt mông mênh,
ảo não quá trời buổi chiều vĩnh biệt!
Và người nữa, tiếng gió buồn thê thiết
Xin lặng giùm cho nhẹ bớt cô đơn.
Hàng cờ đen là bóng quạ chập chờn
Báo tin xấu, dẫn hồn người đã xế...

Ai chết đó ? Nhạc buồn chi lắm thế ?
Kèn đám ma ấy tiếng đau thương
Của cuộc đời ? Ai rút tự trong xương
Tiếng nức nở gửi gió đường quạnh quẽ!
Sầu chi lắm trời ơi! Chiều tận thế!